1. Nước chanh ấm:
Bạn pha một ít nước cốt chanh với nước ấm, thêm mật ong vào khuấy đều và thưởng thức. Nước chanh ấm giúp bổ sung nước cho cơ thể. Đặc biệt, vitamin C trong chanh có tác dụng tăng cường miễn dịch. Loại đồ uống này cũng kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể tự nhiên chống lại virus, vi khuẩn.

2. Nước lọc
Người bị cúm cần uống nước nhiều hơn bình thường vì cơ thể có thể mất nước do sốt, đổ mồ hôi, ăn ít… Người bệnh cảm thấy háo nước và cần được bổ sung nước đầy đủ.
Nước lọc là loại nước uống đơn giản mà người bệnh có thể bổ sung. Có thể để một bình nước bên cạnh để uống nhiều lần trong ngày, giúp giữ đủ nước cho cơ thể.
Uống đủ nước sẽ giúp cơ thể hoạt động bình thường, tăng tốc độ thải độc, làm loãng đờm nhầy gây tắc mũi, khó thở…

3. Nước dừa
Nước dừa cung cấp glucose và các chất điện giải, tương tự như dung dịch oresol. Đặc biệt, loại nước này chứa ít đường hơn đồ uống thể thao. Đây là lựa chọn lý tưởng khi cần bổ sung nước cho cơ thể.
Các loại vitamin, khoáng chất trong nước dừa rất tốt cho người bị sốt. Trong đó, vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch, kali giúp giữ nước và lấy lại năng lượng cho cơ thể.

4. Trà gừng Gừng chứa nhiều hợp chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm. Trong đó, gingerol còn có tác dụng làm giảm đau cơ, đau đầu. Bạn có thể ngâm gừng tươi với nước nóng khoảng 5 phút, thêm một ít nước cốt chanh và mật ong rồi uống hằng ngày để tăng cường sức đề kháng, bổ sung nước, giúp cơ thể nhanh phục hồi. Lưu ý, người đang bị sốt không nên uống trà gừng vì loại đồ uống này có tính nóng, làm chậm quá trình hạ nhiệt của cơ thể.

5. Lưu ý: Những người bị cúm nhẹ không cần phải đến gặp bác sĩ nhưng người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền có nguy cơ biến chứng cao nên đi khám. Một số triệu chứng cần phải đi bệnh viện như: Khó thở; Đau ngực hoặc đau bụng dai dẳng; Không sản xuất nước tiểu; Đau cơ nghiêm trọng và yếu cơ; Chóng mặt và lú lẫn dai dẳng; Sốt và ho đã thuyên giảm nhưng lại tái phát hoặc nặng hơn...