BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thứ năm - 20/02/2025 04:20
Viêm loét đại trực tràng chảy máu được xem là những căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến hệ tiêu hóa.
BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
 1. VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU LÀ BỆNH GÌ?
 Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng viêm ruột mạn tính (IBD) với thương tổn liên tục, một dạng, có thể ở toàn bộ đại tràng nhưng nhiều nhất là ở trực tràng và đại tràng sigma (phần đại tràng gần trực tràng).
 Một tình trạng gây viêm ruột mạn tính khác là Crohn. Đây là hai bệnh khác nhau dễ bị nhầm lẫn. Crohn cũng gây ra các tổn thương ở đại tràng nhưng có vùng niêm mạc lành xen giữa.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi khởi phát thường gặp là 15-30 tuổi.


2. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU?
 Hiện nay, nguyên nhân gây ra viêm loét đại trực tràng vẫn chưa rõ. Nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng các yếu tố miễn dịch, di truyền và môi trường đóng một vai trò nào đó gây ra bệnh.
 Trong nguyên nhân miễn dịch, có hai tự kháng thể liên quan thường gặp là pANCA (perinuclear antineutrophil cytoplasmic antibodies) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies). Trong đó, pANCA dương tính ở 80% bệnh nhân viêm loét đại trực tràng.
 Trong nguyên nhân di truyền, người ta nhận thấy 1/4 người bị viêm loét đại tràng cũng có người thân mắc tình trạng này. Nguy cơ cao hơn khi đó là bố, mẹ, anh chị em ruột. Một nghiên cứu ở Nhật nhận thấy gười có gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu cao hơn những người có gen DR4.
 Viêm loét đại trực tràng chảy máu phổ biến hơn ở một số nhóm dân tộc nhất định, ví dụ người Do Thái, cũng phần nào cho thấy sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Thế nhưng, khi cùng nghiên cứu trên một nhóm dân tộc ở các vùng địa lý khác nhau thì tỷ lệ mắc bệnh lại khác nhau. Vì vậy, người ta cũng cho rằng môi trường cũng là một yếu tố tác động đến khả năng mắc bệnh viêm loét đại trực tràng.
 Một số người nhầm lẫn rằng căng thẳng và tiêu thụ một số loại thực phẩm có thể gây ra viêm loét đại trực tràng chảy máu. Nhưng đến nay, kết luận cho thấy căng thẳng và thực phẩm chỉ có thể gây ra triệu chứng chứ không phải tác nhân gây bệnh.
 

3. TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
 Bệnh có thể biểu hiện nhiều mức độ khác nhau tùy theo mức độ tổn thương. Thường gặp nhất là tình trạng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhầy máu, nặng hơn là đi vệ sinh chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Bệnh nhân thường xuyên đau bụng quặn thắt, mót rặn dữ dội và phải đi đại tiện ngay.
  • Thể nhẹ: Chiếm khoảng 60% tổng các trường hợp. Bệnh nhân không có thay đổi sức khỏe đáng kể, chỉ đi ngoài ra máu dưới 4 lần/ ngày, không thiếu máu hay giảm protein máu. Viêm thường chỉ xảy ra ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi lan rộng hơn. Biểu hiện ngoài ruột cũng rất ít gặp. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng.
  • Thể trung bình: Chiếm 25% các trường hợp, khởi đầu bằng đau bụng quặn thắt, sau đó đi ngoài ra máu, có thể xảy ra vào ban đêm, số lần đi ngoài thường dưới 6 lần/ngày. Người bệnh thường bị sốt và giảm protein máu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
  • Thể nặng: Chiếm 15% các trường hợp. Bệnh nhân đi ngoài ra máu nhiều hơn 6 lần mỗi ngày, thường vào ban đêm, kèm theo đau rát hậu môn, mót rặn, khiến cơ thể suy kiệt với nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, sốt cao và bụng trướng. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng có thể trở nặng dẫn đến tử vong do mất máu hoặc nhiễm độc đại tràng.

Khoảng 1/3 trường hợp bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có các triệu chứng ngoài tiêu hóa là:
- Đau khớp, viêm khớp, loãng xương
- Ban đỏ nút, loét miệng, viêm mủ da
- Viêm màng bồ đào, xơ gan mật, amylose thứ phát
Trẻ em bị viêm loét đại trực tràng sẽ chậm phát triển.
 

4. CHẨN ĐOÁN VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
 Chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu dựa trên triệu chứng, khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định là:
- Xét nghiệm máu: công thức máu toàn bộ, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C (CRP), albumin, kháng thể…
- Xét nghiệm phân
- Nội soi đại trực tràng – hồi tràng và sinh thiết
- Giải phẫu bệnh để chẩn đoán mức độ nặng và theo dõi bệnh.


          Đại tràng bình thường
 
Nội soi điển hình của viêm loét đại tràng. (A) Nhẹ: sinh huyết niêm mạc, hạt mịn, mạch máu giảm. (B) Viêm mức độ trung bình: sung huyết rõ rệt, mất mạch máu, ăn mòn niêm mạc. (C) Mức độ nặng: loét. (D) Nặng: chảy máu tự phát. (E) Hẹp ống tiêu hoá kèm giả mạc.

5. BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU?
  Viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gây ra các vấn đề như:
- Hẹp, tắc đại tràng (tình trạng này phổ biến hơn trong bệnh Crohn)
- Giãn đại tràng
- Thủng 
- Chảy máu
- Nhiễm trùng huyết
- Nguy cơ ung thư 
Hấp thu dinh dưỡng kém do viêm loét đai trực tràng cũng có thể gây ra các vấn đề như:
- Loãng xương
- Sút cân
- Trẻ em chậm tăng trưởng và dậy thì
- Thiếu máu


6. ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
 Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu cần được điều trị bằng cách điều chỉnh thói quen lối sống, điều trị nội khoa và đôi khi là phẫu thuật. Mục tiêu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa các đợt tái phát và biến chứng do viêm loét đại trực tràng chảy máu gây ra. Trong các đợt bệnh nghiêm trọng, bạn có thể cần phải nằm viện điều trị. 

Điều trị bệnh ở mức độ nhẹ (tổn thương trực tràng):  
  • 5-ASA dạng uống: Pentasa.
  • 5-ASA dạng tại chỗ: viên đặt hậu môn.
  • Có thể kết hợp với steroid dạng tại chỗ qua viên nang đạn đặt, dung dịch thụt hoặc dạng bột: 100mg, dùng 1-2 lần/ngày.
  • Kháng sinh dạng uống: Ciprofloxacin hoặc Metronidazol.
Điều trị bệnh ở mức độ vừa (tổn thương đại tràng trái):  
  • 5-ASA dạng uống: Pentasa.
  • 5-ASA dạng tại chỗ: dung dịch thụt hoặc bột.
  • Hydrocortisone dạng dung dịch 100mg: thụt vào mỗi buổi sáng.
  • Kháng sinh dạng uống: Ciprofloxacin hoặc Metronidazol.
  • Nếu không đáp ứng: kết hợp thêm corticoid dạng uống.
  • Nếu vẫn không đáp ứng: sử dụng Methylprednisolon.
Điều trị bệnh ở mức độ vừa hoặc nặng (tổn thương đại tràng phải hoặc toàn bộ đại tràng):
  • 5-ASA dạng uống: Pentasa.
  • Prednisolon dạng uống.
  • Nếu không đáp ứng: sử dụng corticoid liều cao tiêm TM, với methylprednisolon 16-20mg mỗi 8 giờ, hoặc hydrocortisone 100mg mỗi 8 giờ (tiêm TM). Nếu lâm sàng cải thiện sau 7-10 ngày, giảm liều dần mỗi 5mg/tuần và ngừng hẳn. Nếu vẫn không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch.
  • Kháng sinh dạng uống: Ciprofloxacin hoặc Metronidazol.
Vấn đề phẫu thuật đặt ra khi:
- Điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Có nguy cơ ung thư.
- Thủng, chảy máu nặng hoặc phình đại tràng nhiễm độc.


7. LƯU Ý KHI BỊ BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
a. Nội soi định kỳ:
 Những người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Nguy cơ này cao hơn ở người bị viêm toàn bộ đại trực tràng trên 8-10 năm.
 Do đó, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, người bị viêm loét đại trực tràng cần nội soi định kỳ. Trung bình viêm đại tràng được chẩn đoán sau 8 năm cần nội soi 1-2 lần/năm. Viêm đại trực tràng kèm theo viêm đường mật xơ hóa nguyên phát cần nội soi theo dõi mỗi 1-2 năm/lần.


b. Thói quen lối sống:
 Thói quen ăn uống không gây ra viêm loét đại tràng nhưng có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp hạn chế các đợt bùng phát bệnh:
- Hạn chế sản phẩm từ sữa nếu không dung nạp sữa. Còn nếu sau khi uống sữa không gây ra vấn đề gì thì vẫn nên uống vì đây là nguồn cung cấp protein và canxi cần thiết.
- Hạn chế thực phẩm béo: bơ, bơ thực vật, xốt kem, thực phẩm chiên rán.
- Hạn chế chất xơ nếu gây ra triệu chứng xấu. Nên hấp, nướng, hầm rau quả.
- Không sử dụng thực phẩm cay, rượu bia, caffeine.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ăn 2-3 bữa mỗi ngày.
- Uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc.
- Bổ sung vitamin & muối khoáng.
- Trao đổi với bác sĩ nếu bị sụt cân.


c. Quản lý căng thẳng:
 Tương tự như chế độ ăn, căng thẳng (stress) không gây ra viêm loét đại trực tràng chảy máu nhưng có thể khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Do đó bạn cũng nên học cách chấp nhận và sống chung với bệnh viêm loét đại trực tràng, không cần lo lắng, xấu hổ hay chán nản. Ngoài ra, hãy học cách quản lý các tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống. 
Bạn có thể hạn chế căng thẳng bằng cách tập thể dục, yoga, ngồi thiền, đi dạo, thư giãn và tập thở.


8. PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
 Trên thực tế, bởi vì nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được biết đến. Do đó, không có một biện pháp nào có thể phòng ngừa được tình trạng này. Nhưng một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh luôn được khuyến khích để giữ cho cơ thể có sức đề kháng và sức khỏe tổng thể tốt nhất.
 Nếu bạn gặp các triệu chứng của viêm loét đại tràng như đau bụng, đi phần nhầy máu, sút cân không rõ nguyên nhân hoặc các triệu chứng tiêu hóa khác thì bạn nên đến gặp bác sĩ. 
 Ngoài ra, nếu bạn đang bị viêm loét đại trực tràng chảy máu, bạn nên đi khám nếu việc điều trị nội khoa không cải thiện tình trạng bệnh, các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc bạn có thêm các triệu chứng mới.

     
  
                                          BS.Lê Thị Vân - khoa Nội Tổng Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Giới thiệu

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Hà Nội- Bắc Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 cùng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đầy nhiệt huyết, đi cùng là cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Trong suốt thời gian qua bệnh viện đã tạo...

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH KHÁM

Xin mời bạn để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ lại


BẢN ĐỒ CHỈ ĐƯỜNG
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay333
  • Tháng hiện tại17,632
  • Tổng lượt truy cập400,795
facebook
messenger
zalo
hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây