1. Những thứ cần tránh trước khi xét nghiệm
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất, người bệnh cần tránh những thứ sau:
Các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cafe,… sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm do chúng ảnh hưởng trực tiếp tới đường huyết, đường tiêu hoá, mỡ máu. Do đó, người bệnh không được hút thuốc lá, sử dụng cafe và các chất kích thích… Đặc biệt, không nên sử dụng các loại nước giải khát có gas vì sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao.
Kẹo cao su: Sử dụng kẹo cao su trước khi lấy máu xét nghiệm có thể làm tăng tốc độ tiêu hoá, ảnh hưởng tới kết quả. Do đó, người bệnh không nên nhai kẹo cao su trước khi xét nghiệm.
Tránh tập thể dục: Tập thể dục trước khi thực hiện các cận lâm sàng có thể làm quá trình tiêu hoá tiến triển nhanh hơn, ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả chẩn đoán. Chính vì vậy, người bệnh cần giữ cơ thể luôn thư giãn, tránh vận động mạnh và làm việc nặng trước khi xét nghiệm. Nên nghỉ ngơi và thư giãn cơ thể từ 10 – 30 phút giúp máu trở về trạng thái bình thường.
2. Làm thế nào để nhịn ăn an toàn trước khi lấy máu xét nghiệm?
Một số xét nghiệm như xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm chức năng gan… yêu cầu người bệnh cần nhịn ăn từ 8 - 10 tiếng trước đó. Nhiều người cho rằng nhịn ăn là điều khá bình thường và đơn giản. Nhưng cũng có không ít trường hợp người bệnh nhịn ăn bị mệt mỏi và khó chịu.
Vì vậy, khi nhịn ăn người bệnh cũng cần thực hiện một cách khoa học với những lời khuyên sau:
Uống đủ nước: Cần cung cấp cho cơ thể nhiều nước hơn khi nhịn ăn để cơ thể luôn đủ nước. Nước không làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm máu.
Tính toán thời gian: Tuỳ từng loại xét nghiệm mà thời gian nhịn ăn cũng có sự khác nhau. Bạn nên tính thời gian để có khoảng thời gian nhịn ăn chuẩn nhất. Ví dụ bạn được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 10 tiếng và thực hiện lấy máu xét nghiệm vào 8h sáng hôm sau thì bạn có thể ăn trước 6h tối hôm trước.
Thuốc: Tuỳ từng loại thuốc mà bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Một số loại thuốc được yêu cầu ngừng sử dụng trước khi xét nghiệm vì có thể làm sai lệch kết quả.
Xét nghiệm máu ở phụ nữ mang thai: Để không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, người bệnh cần thông báo với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm để có lời khuyên tốt nhất và nhịn ăn an toàn.
Ngoài ra, nếu trong quá trình nhịn ăn, nếu bạn vô tình ăn hay uống gì đó vì quá đói hay nhầm lẫn thời gian thì cần thông báo với bác sĩ. Bác sĩ sẽ quyết định dời lịch hoặc thay đổi các xét nghiệm. Nếu không thông báo, kết quả sau xét nghiệm có thể sai lệch gây ảnh hưởng chẩn đoán và điều trị.
3. Nên thực hiện lấy máu xét nghiệm khi nào?
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng. Nguyên nhân là vì thời điểm đó cơ thể khá ổn định, các cơ quan sau một đêm nghỉ ngơi cũng đào thải các chất cặn bã trong máu ra ngoài. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không cần phải nhịn ăn quá lâu.
Chính vì vậy, để kết quả xét nghiệm máu chính xác nhất, người bệnh nên thực hiện vào buổi sáng thay vì buổi chiều – khi mà cơ thể đã phải hoạt động cả ngày.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về các lưu ý trước khi lấy máu xét nghiệm. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Mọi chi tiết cần tư vấn và đặt lịch, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua SĐT Hotline: 0325.255.688 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.